Hành Trình Ăn Dặm Của Con Cần Chuẩn Bị Những Gì?

Trong giai đoạn phát triển từ 0 – 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu làm quen với sữa mẹ, sữa công thức và khám phá hành trình ăn dặm. Đây là giai đoạn quan quan trọng cho sự phát triển của con, đặc biệt ba mẹ đóng vai trò lựa chọn, hỗ trợ con làm quen với nhiều thực phẩm dinh dưỡng, phương pháp ăn dặm phù hợp với nhu cầu của con. Bài viết này sẽ giúp ba mẹ có sự chuẩn bị chu đáo cho hành trình ăn dặm đầu đời của con.

Khi nào con bắt đầu ăn dặm?

Đây là câu hỏi được nhiều ba mẹ hỏi rất nhiều trong quá trình bắt đầu có con, trên các hội nhóm, tìm kiếm ăn dặm là gì? Ăn dặm bắt đầu từ đâu? Ăn dặm theo phương pháp nào?…Và có nhiều bài viết, chia sẻ về thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu cho con làm quen với ăn dặm.

Độ tuổi phù hợp bắt đầu hành trình ăn dặm: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm lý tưởng để bé bắt đầu ăn dặm là khoảng 6 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa của bé đã phát triển đủ để xử lý thức ăn rắn và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết bên cạnh sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Dấu hiệu nhận biết con đã sẵn sàng ăn dặm:

  • Giữ vững đầu và cổ: Con có thể ngồi vững với sự hỗ trợ, giữ thăng bằng đầu và cổ mà không cần nhiều sự giúp đỡ. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ xương của con đã đủ phát triển để bắt đầu ăn thức ăn đặc.
  • Tỏ ra hứng thú với thức ăn: Con tỏ ra thích thú khi nhìn người lớn ăn, chẳng hạn như chăm chú nhìn miệng của ba mẹ khi nhai hoặc với tay muốn cầm thức ăn. Điều này cho thấy con có sự tò mò và sẵn sàng bắt đầu ăn dặm.
  • Có thể nhai nhẹ: Con bắt đầu có các chuyển động nhai khi được cho thử thức ăn, và có khả năng đưa thức ăn về phía sau họng để nuốt.
  • Không còn phản xạ đẩy lưỡi: Phản xạ đẩy lưỡi sẽ tự nhiên mất đi khi bé sẵn sàng ăn dặm. Khi đặt thức ăn vào miệng, con không còn dùng lưỡi để đẩy thức ăn ra ngoài.

Lợi ích khi bắt đầu ăn dặm đúng thời điểm

  • Tăng cường dinh dưỡng: 6 tháng tuổi là thời điểm sữa mẹ hoặc sữa công thức không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là sắt và kẽm. Bắt đầu ăn dặm đúng lúc sẽ giúp con bổ sung các chất cần thiết cho sự phát triển.
  • Thúc đẩy phát triển kỹ năng ăn uống: Ăn dặm giúp con phát triển các kỹ năng nhai và nuốt, đồng thời hỗ trợ phát triển các kỹ năng vận động tinh khi con tự cầm nắm thức ăn.
  • Xây dựng thói quen ăn uống tốt: Đây là giai đoạn con có thể làm quen với nhiều loại thực phẩm, hương vị và kết cấu khác nhau, tạo nền tảng cho thói quen ăn uống lành mạnh sau này.

Ảnh hưởng tiêu cực khi cho con ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn

  • Ăn dặm quá sớm: Khi cho con ăn dặm trước 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của con còn non nớt, dễ gây ra các vấn đề về tiêu hóa, dị ứng thực phẩm và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Ngoài ra, việc ăn dặm sớm còn có thể khiến con bỏ bú mẹ hoặc sữa công thức, làm giảm lượng dưỡng chất quan trọng mà sữa cung cấp.
  • Ăn dặm quá muộn: Nếu con không được tiếp xúc với thực phẩm rắn sau 7-8 tháng tuổi, con có thể chậm phát triển kỹ năng nhai, tăng nguy cơ kén ăn, và khó làm quen với các hương vị mới. Hơn nữa, việc chậm ăn dặm còn ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí não do thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết.

Tạo không khí vui vẻ, thoải mái khi ăn

  • Coi bữa ăn là niềm vui: Bữa ăn là thời điểm để con khám phá thức ăn, và cảm nhận sự hứng thú khi ăn cùng gia đình. Ba mẹ có thể cười nói, trò chuyện vui vẻ trong bữa ăn, tạo sự kết nối giữa con và người thân. Khi cảm thấy thoải mái, con sẽ dễ dàng hòa mình vào bữa ăn và nhận thấy ăn uống là một hoạt động thú vị.
  • Không ép buộc: Việc ép con ăn hết phần thức ăn hoặc ăn khi con không muốn có thể tạo cảm giác căng thẳng. Thay vào đó, hãy để con ăn theo nhu cầu tự nhiên. Khuyến khích con bằng cách khen ngợi khi con thử món mới hoặc tự cầm nắm thức ăn, giúp con cảm thấy mình đang đạt được thành tựu.
  • Tạo không gian ăn uống riêng: Một khu vực ăn uống sạch sẽ, không có đồ chơi hoặc màn hình điện tử sẽ giúp con tập trung vào việc ăn. Khi con tập trung vào đồ ăn, con sẽ học cách tự điều chỉnh lượng ăn uống phù hợp với cơ thể mình và phát triển kỹ năng nhai nuốt.
    Khuyến khích con thử nhiều loại thực phẩm khác nhau
  • Cung cấp đa dạng thực phẩm: Ba mẹ nên chuẩn bị các loại thức ăn với nhiều màu sắc và hương vị khác nhau, chẳng hạn như rau củ, trái cây, thịt, cá. Việc này giúp con dần dần quen với mùi vị mới, tăng cường khả năng thích nghi và giảm nguy cơ kén ăn sau này.
  • Khuyến khích con thử từng ít một: Với các món mới, ba mẹ có thể cho con nếm thử từng chút một để bé không cảm thấy choáng ngợp. Đôi khi con có thể không thích một loại thực phẩm ngay từ lần đầu, nhưng sau vài lần thử, con sẽ dần quen và có thể bắt đầu yêu thích món ăn đó.
  • Làm gương cho con: Con thường bắt chước hành động của người lớn, vì vậy ba mẹ có thể làm gương cho con bằng cách cùng ăn các loại thực phẩm mới để khuyến khích con thử. Khi con thấy ba mẹ hoặc anh chị vui vẻ thưởng thức món ăn, con cũng sẽ tò mò và muốn trải nghiệm.

Hiện nay, do tính chất công việc của nhiều gia đình cần quay trở lại làm việc từ khi con bước sang tháng thứ 6. Xu hướng các mẹ tìm kiếm trường mầm non nhận bé từ 6 tháng tuổi nhiều hơn. Chính vì vậy giai đoạn ăn dặm là chủ đề được ba mẹ quan tâm nhiều trong quá trình tìm trường mầm non cho con đi học từ giai đoạn này. Trường mầm non cung cấp chế độ ăn dặm đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với phương pháp và thói quen ăn uống của con sẽ giúp ba mẹ yên tâm phần nào vì thời gian con trải nghiệm bữa ăn ở trường chiếm 50% các bữa ăn của con trong ngày.

Thấu hiểu được lo lắng của ba mẹ về chế độ dinh dưỡng khi con đi học từ 6 tháng tuổi. ME School cung cấp thực đơn dinh dưỡng dành riêng cho bé từ 6 – 12 tháng tuổi giúp con được trải nghiệm thực đơn thay đổi hàng ngày, bổ sung đầy đủ các nhóm vitamin và thực phẩm tươi chế biến trực tiếp tại trường. Ba mẹ hãy dành thời gian đưa con tới trải nghiệm giờ hoạt động và bữa ăn tuyệt vời tại ME School nhé!