Lựa chọn thực phẩm phù hợp cho những năm đầu đời của trẻ

Chúng tôi hiểu rằng là bậc cha mẹ, việc đảm bảo thực phẩm dinh dưỡng và an toàn cho con là ưu tiên hàng đầu của bạn. Trong ba năm đầu đời của trẻ, việc cung cấp các loại thực phẩm phù hợp đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì đây là lúc trẻ phát triển nhanh chóng, cần nhiều năng lượng và dưỡng chất.

Đối với trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi, trái cây và rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, thịt nấu chín mềm, cá và trứng đều là những lựa chọn phù hợp. Nếu như trẻ mới biết nhai thì hãy đảm bảo thức ăn của trẻ phải mềm và dễ nuốt, ví dụ như trái cây và rau củ nghiền.

Nếu bạn có điều kiện nấu ăn ở nhà thường xuyên thì rất lý tưởng, song chúng tôi hiểu rằng việc này không phải lúc nào cũng thực hiện được vì có nhiều lý do bất khả kháng. Trong những trường hợp như vậy, việc đóng gói sẵn các loại thực phẩm cho trẻ như ngũ cốc ăn liền, cháo, thực phẩm xay nhuyễn, túi thức ăn, đồ ăn nhẹ và đồ ăn sẵn sẽ là những lựa chọn thay thế dễ dàng và tiện lợi. Tuy nhiên, thật khó để biết đâu là lựa chọn lành mạnh và bổ dưỡng - đặc biệt là khi hàng loạt sản phẩm hiện nay đều đi kèm với những cam kết bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe.

Dưới đây là năm lời khuyên hàng đầu giúp bạn lựa chọn thực phẩm phù hợp với thực đơn dành cho trẻ dưới 3 tuổi.

Cung cấp nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng để giúp con bạn có nền tảng cho sự khởi đầu tốt nhất

Nếu con bạn dưới 2 tuổi, hãy tiếp tục cho con bú theo mong muốn của trẻ. Đồng thời, bạn nên cung cấp nhiều loại thực phẩm mỗi ngày để con được bổ sung tất cả các dưỡng chất cần thiết.

Cho con ăn nhiều loại trái cây và rau quả để đảm bảo cung cấp đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa mà con cần. Bạn cần bổ sung nhóm thực phẩm giàu protein (như sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, thịt đỏ, cá, thịt trắng hoặc các loại thực phẩm có nguồn thực vật như đậu phụ, đậu xanh, đậu lăng, đậu Hà Lan hoặc các loại hạt) cũng như một chút dầu hoặc chất béo để cung cấp năng lượng trong khẩu phần ăn của trẻ.

Lựa chọn những loại thực phẩm tại địa phương, theo mùa và theo truyền thống

Đông Nam Á là khu vực có nền văn hóa ẩm thực phong phú nên những món ăn truyền thống cũng rất đa dạng và tốt cho sức khoẻ. Bất cứ thực phẩm gì còn tươi mới, có sẵn ở địa phương, đã được nấu và ăn theo truyền thống gia đình hoặc nền văn hóa của bạn đều có thể là lựa chọn tốt cho con. Hãy nhớ rằng việc cho trẻ làm quen với những thực phẩm ăn dặm lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ đồng nghĩa rằng bạn đang xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho con về lâu dài.

Tránh nhóm thực phẩm ăn dặm chứa nhiều đường và muối

44% thực phẩm đóng gói dành cho trẻ nhỏ được bán ở Đông Nam Á có chứa đường bổ sung hoặc chất tạo ngọt, trong khi hơn 1/3 trong số đó chứa quá nhiều muối.  

Nếu bạn quyết định mua thực phẩm đóng gói cho con mình, bạn cần phải đọc kỹ bảng thành phần ở mặt sau bao bì trước khi mua - đặc biệt lưu ý đến hàm lượng đường và muối.

Nếu cơ thể nạp quá nhiều đường, nhất là với trẻ nhỏ, điều đó có thể dẫn đến sâu răng, tăng cân và thói quen ăn uống không lành mạnh sau này. Khẩu phần quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp ngay cả ở trẻ nhỏ và cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và khẩu vị của trẻ.  

Vì vậy, tốt nhất bạn nên chọn những sản phẩm không chứa đường bổ sung. Các loại đường và chất làm ngọt phổ biến cần chú ý bao gồm mía, đường sucrose, mật ong, xi-rô ngô, xi-rô glucose, fructose, maltose, nước ép trái cây cô đặc hoặc nước ép trái cây dạng bột (ngoại trừ chanh hoặc nước cốt chanh) và các chất làm ngọt như saccharin, acesulfame và aspartame. Đối với hàm lượng muối, hãy chọn những sản phẩm chứa ít hơn 120 mg muối trong 100 gam trọng lượng.

Ngoài ra, hãy chú ý đến hàm lượng trái cây: trong các loại nước ép làm từ 100% trái cây, đường tự nhiên có thể chiếm hơn một nửa năng lượng mà sản phẩm cung cấp. 

Kiểm tra kỹ nhãn mác và tuyên bố tiếp thị trên sản phẩm

Thực phẩm đóng gói dành cho trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi (từ ngũ cốc và cháo dành cho trẻ sơ sinh đến bột nhuyễn, túi đóng gói, đồ ăn nhẹ và đồ ăn sẵn) thường được tiếp thị rộng rãi và có thể có nhãn mác và tuyên bố tiếp thị rất bắt mắt.

Do đó, sẽ thật khó để cân nhắc sản phẩm nào phù hợp cho trẻ và sản phẩm nào thì không. Các nhà sản xuất thực phẩm thường dán nhãn sản phẩm của họ là tốt cho sức khỏe, đồng thời che giấu hàm lượng đường, muối hoặc chất béo cao. Những tuyên bố tiếp thị này có thể đánh lừa bạn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con bạn.

Thành phần xuất hiện trên thực phẩm đóng gói thường được ghi là “hoàn toàn tự nhiên”, “nguồn vitamin tốt” và “không có thành phần nhân tạo”. Chính vì vậy, hãy nhớ kiểm tra kỹ các tuyên bố tiếp thị đối với bảng thành phần ở mặt sau của sản phẩm. Ví dụ: một sản phẩm ghi là “không có đường bổ sung” trên thực tế có thể có một lượng đáng kể chất làm ngọt nhân tạo.

Khi kiểm tra tem nhãn, hãy chú ý đến bảng thành phần ngắn gọn và đơn giản. Nếu bạn thấy một danh sách quá dài và xuất hiện các thành phần mà bạn không nhận ra, hãy cân nhắc việc mua sản phẩm đó. Một nguyên tắc nhỏ là không mua các sản phẩm có danh sách chứa những thành phần không thường xuất hiện trong căn bếp của mình.

Đọc bảng thành phần và kiểm tra kỹ các tuyên bố tiếp thị là điều đặc biệt quan trọng ở Đông Nam Á, nơi gần 90% sản phẩm dành cho trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi có bảng thành phần gây hiểu lầm hoặc đánh lừa bạn.

Lên kế hoạch và lựa chọn đồ ăn nhẹ một cách kỹ càng

Đồ ăn nhẹ lành mạnh có thể bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho trẻ trong khi vẫn đảm bảo sự ngon miệng của trẻ đối với bữa ăn kế tiếp. Dưa chuột, bánh mì nguyên hạt, bánh gạo, phô mai viên, trái cây cắt miếng, cắt lát hoặc chuối đều là những món ăn nhẹ và giàu dinh dưỡng cho trẻ. Sữa chua trắng nguyên chất cũng có thể là một lựa chọn tốt cho con của bạn.

Nếu bạn chọn mua đồ ăn nhẹ đóng gói cho con mình, chẳng hạn như bánh xốp, bánh quy giòn, bánh ăn dặm dễ tan và các sản phẩm tương tự, hãy đọc kỹ bảng thành phần vì những thứ này thường được chế biến kỹ. Tại Đông Nam Á, 72% đồ ăn nhẹ có chứa đường và chất làm ngọt bổ sung.

Đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất vào chế độ ăn của trẻ trong tất cả các bữa ăn, bao gồm cả những “bữa ăn nhẹ”, để có thể giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ giai đoạn đầu.