6 bước nhỏ để xử lý một cuộc gây hấn, đánh nhau ở trẻ
Thông thường, phản ứng đầu tiên của người lớn khi nhìn thấy những việc này là ngay lập tức yêu cầu trẻ đưa trả món đồ cho người bạn kia hoặc đưa ngay cho bố mẹ và không tiếp tục chơi nữa; tách trẻ ra và yêu cầu xin lỗi bạn dù con chưa hiểu vấn đề; hoặc thậm chí yêu cầu trẻ ngừng chơi và đi về nhà ngay. Những hành động này của người lớn thực chất xuất phát từ việc muốn ngay lập tức chấm dứt vấn đề (tình trạng đánh nhau, tranh giành và khóc lóc), với tâm lý ngại với phụ huynh của bạn kia về hành vi của con mình và sợ bị đánh giá… Tuy nhiên, điều này vô hình chung không hề nghĩ đến cảm xúc của trẻ, không giúp tìm ra nguyên nhân tại sao trẻ lại cư xử như vậy và xử lý sao để lần sau tình trạng này sẽ không tái diễn.
Thực tế, khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ rất thấp nên trong trường hợp bị tức giận, thất vọng khi bị bạn tranh giành đồ chơi hay làm phiền, sử dụng tay chân gần như là hành động đầu tiên của trẻ. Nhiều bậc phụ huynh rất e ngại vấn đề con đánh bạn, cho rằng trẻ sẽ sử dụng bạo lực lâu dài để giải quyết các vấn đề con gặp phải. Nhưng chúng ta phải thừa nhận một điều rằng những tranh chấp, xô xát xảy ra ở trẻ nhỏ thông thường không quá nghiêm trọng. Đặc biệt, khi được can thiệp đúng cách thì đây còn là những CƠ HỘI TUYỆT VỜI để các bậc phụ huynh hướng dẫn con mình cách chơi với bạn và xử lý tình huống một cách hợp lý. Vì thế, các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh trước những tình huống này, tránh việc xử lý không tốt, khiến trẻ không hiểu được vấn đề. Điều này có thể sẽ khiến trẻ tức giận, thất vọng thêm và lần sau chúng sẽ tiếp tục sử dụng tay chân, có thể mạnh hơn hoặc lén lút hơn hoặc trở nên sợ hãi, không dám đòi hỏi quyền lợi của mình.
Không quá khó để tập cho trẻ cách chơi hòa bình với nhau
ME School sẽ gợi ý một quy trình để xử lý một cuộc tranh giành, xích mích ở trẻ qua 6 bước nhỏ sau:
Bước 1: Dừng hành động, tách trẻ khỏi nhau và khu vực vừa xảy ra xô xát
Khi phát hiện trẻ có xích mích, xô xát, việc đầu tiên nhất mà các bậc phụ huynh cần làm là tách các con ra và sử dụng những câu ngắn gọn như: “Mẹ cảm thấy không vui khi con làm bạn đau”, “Mẹ không muốn con làm đau bạn”… Việc làm này đơn giản để cho con biết đánh nhau hay làm bạn đau là những hành vi chưa đúng, con cần dừng việc đó lại cho dù muốn hay không và bố mẹ sẽ giúp con tìm hướng giải quyết khác. Hãy nhớ câu nói phải ngắn gọn, không chỉ trích hành vi của trẻ, không căn vặn như: “Con hư thế”, “Đánh bạn là hư”, “Sao con lại đánh bạn?”, “Có biết đánh bạn là hư là đau không?”…
Bước 2: Công nhận cảm xúc của trẻ và cho con thời gian bình tĩnh
Cảm xúc nhất là những cảm xúc tiêu cực thực sự không đáng sợ. Việc các con thể hiện cảm xúc bằng cách tiêu cực như la hét, đập phá, ném đồ hoặc làm đau bạn mới không không tốt. Nhưng việc con trẻ la hét, đập phá hay giằng co với bạn cũng chỉ xuất phát từ việc muốn giải tỏa cảm xúc mà con đang có: tức giận, cảm thấy bị làm phiền hoặc thất vọng… Vậy nên, việc của người lớn lúc này chính là công nhận cảm xúc của con, giúp con gọi tên cảm xúc, hiểu được cảm xúc của mình cũng như cách kiểm soát chúng. Đây là một việc rất đơn giản nhưng luôn bị người lớn bỏ quên. Có lẽ vì người lớn đã quên mất vai trò của cảm xúc đối với hành vi, chính cảm xúc sẽ quyết định hành vi của con: khi vui vẻ con nhất định sẽ hợp tác và thông thường khi có các cảm xúc tiêu cực con sẽ la hét, đập phá hoặc làm đau người xung quanh…
Một hành động mà người lớn có thể thường thấy ở trẻ sau một trận tranh giành đó chính là khóc. Nếu trẻ khóc, hãy để con được khóc. Bởi vì, khóc chính là cách giải tỏa cảm xúc hòa bình nhất và có thể nói là tích cực nhất. Còn nếu con bị yêu cầu ngừng khóc, con sẽ tìm hướng giải tỏa cảm xúc theo cách khác như la hét, khua khoắng tay chân, đập đồ, thậm chí làm đau người xung quanh hay những cách tệ hơn.
Trong trường hợp, con khóc ở nơi công cộng, những người có con và hiểu về con trẻ chắc chắn sẽ thông cảm cho bạn, còn những người không thông cảm thì kệ họ. Việc của bạn là đưa trẻ tránh xa chỗ đông người một chút để con khóc thoải mái mà không ảnh hưởng tới người xung quanh. Và hãy ở bên cạnh con, nên yên lặng không nói hay giải thích gì nhiều hoặc có thể an ủi con bằng những câu đơn giản ngắn gọn: “Con cứ khóc đi, mẹ sẽ ngồi đây cạnh con, bao giờ con bình tĩnh mình sẽ nói chuyện nhé”.
Hãy chắc chắn, trẻ đã bình tĩnh lại và có thể trao đổi cũng như tiếp thu thì mới bắt đầu chuyển sang bước tiếp theo. Nếu trẻ vẫn khóc và chưa sẵn sàng, bạn có thể cho con thêm thời gian và cho con biết con có bao nhiêu thời gian để giải tỏa hoàn toàn cảm xúc: “Mẹ thấy con vẫn chưa sẵn sàng đúng không, vậy thì mẹ dành cho con thêm 2 phút để khóc và giải tỏa cảm xúc nốt nhé, sau đó mình sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề để con cảm thấy vui và thoải mái hơn này”.
Nói cho con biết nếu con vừa khóc vừa nói, bạn sẽ không hiểu nổi con nói gì và như vậy bạn sẽ không thể giúp gì được cho con cả. Hãy dùng tone giọng bình thường, đừng sốt ruột hay cáu giận vì cảm xúc của bạn sẽ điều tiết cảm xúc của con. Cho con thấy, bạn là người rất bình tĩnh, đáng tin và có thể giúp con giải quyết vấn đề một cách tích cực nhất.
Bước 3: Nói chuyện với con để tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề là gì
Bạn nên nhớ, tất cả mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó và để giải quyết được triệt để vấn đề thì phải hiểu được nguyên nhân. Thông thường, dù có quan sát từ đầu đến cuối sự việc, chưa chắc bố mẹ đã biết được chính xác nguyên nhân gây ra cuộc ẩu đả. Vì thế, đừng tự suy luận vấn đề, dù bạn tưởng mình đã hiểu rõ, hãy nói chuyện với trẻ để hiểu trẻ nghĩ gì, vì sao lại xảy ra sự việc đó và đây cũng là cơ hội để trẻ nhìn nhận lại quá trình và hành động của mình, sau đó con mới dễ dàng chấp nhận nghe bố mẹ khuyên can. Với trẻ dưới 2 tuổi và khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ còn kém, bạn có thể bỏ qua bước này hoặc diễn đạt câu chuyện theo ý hiểu của bạn và hỏi trẻ xem có đúng không.
Điều quan trọng nhất trong bước này là kiên quyết không để trẻ đổ lỗi, bỏ qua những câu nói đổ lỗi hay tức giận đối với người khác như “Tại bạn đó lấy của con”, “Tại bạn đó đánh con trước”. Yêu cầu con tập trung kể lại sự việc và nhắc lại những câu nói mang tính tường thuật sự việc của trẻ để đảm bảo bạn hiểu đúng ý của con. Ví dụ như khi con diễn tả việc bị bạn giành đồ chơi “Tại bạn đó lấy của con, nên con đánh bạn” bố mẹ có thể nhắc lại “À đầu tiên con đang chơi món đồ chơi này, sau đó bạn đó tới lấy nó và con đã làm đau bạn đúng không?”
Có một lưu ý nhỏ: Thường trẻ sẽ nghĩ rằng món đồ chơi con đã chọn, cầm qua và đặt cạnh chỗ của mình cho dù con không chơi tới nó nữa cũng vẫn là của con, bạn khác không thể lấy nó. Vậy nên, bố mẹ hãy thật tinh ý để hiểu được trường hợp này và hướng dẫn cho con biết, nếu đó là đồ chơi chung hoặc ở nơi công cộng thì con không thể giữ hết phần đồ chơi về mình như vậy được. Những thứ đồ mà con chưa sử dụng tới hoặc không còn muốn chơi nữa phải được trả lại để bạn khác cũng có cơ hội được chơi chúng…
Nếu như cần phải đưa ra hình phạt, đừng quá nghiêm trọng, bạn không nhất thiết phải yêu cầu con dừng chơi hay đi về. Hãy đưa ra yêu cầu nếu không thể chơi hòa bình với bạn, con sẽ phải chơi một mình tách xa các bạn khác. Thông thường, đây là hình phạt nhẹ nhàng, không gây tổn thương cho trẻ nhưng lại cực hiệu quả vì con trẻ luôn có nhu cầu chơi chung hoặc chơi cạnh các bạn. Điều này cũng thể hiện cho con hiểu, nếu không thể hòa bình và chơi nhẹ nhàng với các bạn, con sẽ khó có thể được chơi trong đội nhóm.
Tuy nhiên bạn không nên quá lạm dụng hình phạt này. Ở những lần áp dụng đầu, hãy quan sát trẻ, nếu con thể hiện sự ăn năn hợp tác giải quyết sự việc và muốn quay trở lại chơi một cách hòa bình và vui vẻ với các bạn khác thì hình phạt mới trở nên hiệu quả. Trong trường hợp hình phạt này được đưa ra quá thường xuyên, con có thể trở nên mẫn cảm, tự cảm thấy việc chơi một mình cũng không sao hoặc tệ hơn con sẽ cảm thấy mình bị yếu thế, bị cách ly, tách biệt với các bạn từ đó sinh ra ganh tị đặc biệt là đối với trường hợp anh chị em trong nhà.
Bước 4: Hỏi trẻ cách xử lý tốt hơn cho lần sau
Tất nhiên sau khi đã hiểu rõ nguyên nhân, hãy hỏi con cách xử lý tích cực hơn cho lần sau trước. Đừng đưa ra phán quyết hay ý kiến của bạn ngay, điều này sẽ khiến trẻ không học được cách tự mình suy nghĩ và đưa ra phương án giải quyết vấn đề. Đầu tiên hãy hỏi con những câu hỏi về cảm xúc của con và thử đặt con ở vị trí của bạn nhỏ kia:
“Con bị bạn đánh con sẽ cảm thấy thế nào?”, “Con nghĩ lúc bạn bị con đánh bạn sẽ cảm thấy thế nào?”, “Bạn mà bị đau thì con cảm thấy thế nào? Con có muốn bạn đau, bạn buồn không?”
Hãy hiểu rằng, trẻ đánh nhau chỉ vì khi đó cơn giận đang bùng phát, con chưa biết cách xử lý cảm xúc và điều chỉnh hành vi. Vậy nên, khi cơn giận qua đi, con bình tĩnh lại, con có thể nhìn nhận lại hành vi và hậu quả của việc con làm. Hãy công nhận câu trả lời và cảm xúc của con và giúp con nhìn nhận vấn đề của mình, cho con hiểu rằng con không cố tình làm đau bạn khác, việc làm đó là chưa đúng, không nên tiếp diễn và chắc chắn sẽ có cách khác để xả cơn tức thay vì làm đau bạn, la hét hay đập phá.
Và một điều cực kỳ quan trọng đó chính là KHÔNG ĐƯỢC DÁN NHÃN TRẺ. Những câu nói như “Con hư thế”, “Con cục xúc và bạo lực thế”… tuyệt đối đừng bao giờ dùng với trẻ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bạn hãy nhớ “KHÔNG CÓ ĐỨA TRẺ NÀO HƯ CẢ, CHỈ LÀ TRẺ ĐANG CÓ NHỮNG HÀNH VI CHƯA ĐÚNG” và việc của người lớn chúng ta chính là điều chỉnh những hành vi đó.
Sau đó chính là giúp trẻ đưa ra những phương án để xử lý cảm xúc và vấn đề bằng chính suy nghĩ của con. Bạn có thể đưa ra những câu hỏi gợi mở để giúp con như: “Đánh bạn đau thì mình cũng buồn con nhỉ, vậy mình có đánh bạn nữa không?”, “Vậy lần sau bạn lấy đồ mình đang không chơi thì làm thế nào con nhỉ?”, “Nếu bạn lấy đồ mình đang cầm trên tay thì phải làm gì con?”
Đặc biệt hãy phân tích tính tích cực trong mỗi phương án cho con hiểu, để con biết rằng xử lý tình huống tích cực thì luôn được khuyến khích. Nhớ rằng bước hỏi ý kiến con thực sự rất quan trọng vì chính con mới là người hiểu rõ cảm xúc và tình huống của con nhất, con có thể sẽ đưa ra những phương án đơn giản, hiệu quả mà bạn không thể ngờ tới đó. Hơn nữa, khi đã được tham vấn ý kiến, trẻ sẽ sẵn sàng lắng nghe và chấp nhận những phương án của bạn ở bước sau hơn.
Bước 5: Đưa ra những phương án/ gợi ý của bố mẹ để áp dụng cho lần sau
Nếu như phương án con đưa ra đã hợp lý đơn giản và hiệu quả hãy tôn trọng trẻ và để con áp dụng cho những lần sau. Trong trường hợp, trẻ chưa thể tự đưa ra cách xử lý hiệu quả, hãy đưa ra gợi ý của bố mẹ để con hiểu rằng, bạn luôn ở bên cạnh, sẵn sàng cùng con giải quyết vấn đề.
Nên đưa ra 2-3 phương án lựa chọn tích cực và để cho con được lựa chọn và cân nhắc. Bởi vì không ai muốn bị áp đặt đúng không nào. Một cách có tốt đến đâu mà bạn không hề có sự lựa chọn thì việc thực hiện nó vào lần tới cũng giảm bớt sự thoải mái. Và hãy thử tập rượt. Đưa ra tình huống tương tự và cho con nói lại phương án mà con đã chọn để đảm bảo rằng con đã hiểu cũng như chấp nhận cách giải quyết đó.
Bước 6 - Cũng là bước cuối cùng: Xử lý hậu quả của trận chiến vừa xong
Thực tế, bước này luôn được các bậc phụ huynh đưa lên hàng đầu. Có một số phương án tích cực như yêu cầu trẻ xin lỗi bạn, xoa bạn, ôm bạn, trả đồ cho bạn và một số phương án tiêu cực như đánh đòn trẻ, cách ly trẻ chắc chắn sẽ được các bậc phụ huynh áp dụng. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng, khi trẻ có hành vi chưa đúng, việc của con và bố mẹ là điều chỉnh và sửa chữa hành vi đó chứ không phải là TRẢ GIÁ cho những hành vi này. Vậy nên, hãy đảm bảo con hiểu vấn đề, mong muốn sửa chữa và sau đó mới là sửa chữa và xử lý hậu quả. Tức là, hãy đưa việc xử lý hậu quả bằng những phương án tích cực xuống bước cuối cùng.
Xoáy sâu vào lỗi của con, dán nhãn, mắng mỏ và trừng phạt trẻ sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả mà nó sẽ tiềm tàng rất nhiều hậu quả to lớn ở phía sau cho chính con bạn.
Hoạt động trong một tập thể, nhóm sẽ giúp con học được cách giải quyết vấn đề trong hòa bình. Đừng sợ những cuộc xô xát hay gây hấn ở trẻ
Một số tips nhỏ:
- Theo nghiên cứu việc đánh, cắn, cấu và làm đau bạn khác là hoàn toàn bình thường đối với trẻ 1-3 tuổi vì đây là những hành vi bản năng của con dùng để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Con có cả thời thơ ấu để điều chỉnh những hành vi này. Chắc chắn sẽ không có đứa trẻ nào cắn bạn tới năm 18 tuổi cả. Việc của người lớn chính là điều chỉnh những hành vi bộc lộ cảm xúc mang tính bản năng này trở thành những hành vi hòa bình và tích cực hơn. Và nếu bố mẹ cũng dùng bạo lực (dù bằng lời nói hay hành động) để xử lý những tình huống này thì điều duy nhất mà con học được chính là BẠO LỰC LÀ HOÀN TOÀN ĐƯỢC CHO PHÉP.
- Đừng hy vọng ở ngay lần thứ 2 thứ 3 xảy ra vấn đề trẻ đã có thể xử lý tình huống trôi chảy, không còn làm đau bạn hay loại bỏ được những hành vi chưa đúng. Hãy cho con thời gian, kiến nhẫn với con. Bạn mất bao lâu để thuộc bảng chữ cái và bảng cửu chương? Điều tiết cảm xúc còn khó hơn gấp 10 lần việc học thuộc đó. Con đang phải học một việc phi thường. HÃY CHO CON THỜI GIAN.
- Nếu như người xử lý vấn đề trực tiếp không phải bạn (ông bà, GV của con…) hãy hỏi lại chi tiết vấn đề và cách giải quyết lúc đó. Nếu hợp lý, bạn có thể về nói chuyện và củng cố thêm cho con. Nếu chưa thực sự hợp lý, hãy trao đổi thẳng thắn với người đó về mong muốn cũng như các bước xử lý vấn đề để có sự thống nhất. Và đừng quên làm việc lại với con. Đừng để vấn đề trôi qua mà chưa được giải quyết một cách triệt để.
Trên đây là 6 bước nhỏ để xử lí một cuộc gây hấn, đánh nhau giữa hai đứa trẻ mà ME School muốn gửi tới ba mẹ. Hy vọng, bài viết sẽ giúp ba mẹ giảm tải được căng thăng trong việc xử lý những tình huống đau đầu nhưng thường xuyên xảy ra ở trẻ.