Hành Trình Phát Triển Của Trẻ 0-6 Tuổi: Não Bộ Thần Kỳ & Trí Tuệ Hấp Thu

Ba mẹ có biết, giai đoạn 0-6 tuổi là giai đoạn "vàng" quyết định đến 80% sự phát triển trí tuệ và nhân cách của trẻ? Đây là lúc não bộ của trẻ phát triển vượt bậc, tạo nền tảng vững chắc cho mọi kỹ năng và kiến thức sau này. Hiểu rõ các giai đoạn phát triển của trẻ, đặc biệt là giai đoạn 0-6 tuổi, sẽ giúp cha mẹ đồng hành và nuôi dạy con tốt nhất.

Hành Trình Phát Triển Của Trẻ: 4 Giai Đoạn Quan Trọng
Theo các chuyên gia, hành trình phát triển của trẻ được chia thành 4 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: 0-6 tuổi: Giai đoạn "vàng" đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện.
Giai đoạn 2: 6-12 tuổi: Giai đoạn phát triển tư duy logic và kỹ năng xã hội.
Giai đoạn 3: 12-18 tuổi: Giai đoạn hình thành nhân cách và định hướng tương lai.
Giai đoạn 4: 18-24 tuổi: Giai đoạn trưởng thành và bước vào cuộc sống tự lập.

Bài viết này sẽ tập trung phân tích sâu vào Giai đoạn 1: 0-6 tuổi, giai đoạn quan trọng nhất trong hành trình phát triển của trẻ.

Giai Đoạn 0-6 Tuổi: Khám Phá Thế Giới Bằng Trí Tuệ Hấp Thu
1. Sự Phát Triển Thần Kỳ Của Não Bộ:

Sau khi sinh, bộ não của trẻ tăng gấp đôi kích thước trong một năm và tăng gấp ba lần khi trẻ được 06 tuổi. Mỗi em bé có thể hình thành một triệu tế bào thần kinh mới sau mỗi hai mươi giây. Sự tăng trưởng phi thường này là cực kỳ bất thường bởi vì ở hầu hết các loài động vật có vú, sự phát triển của não chậm lại sau khi sinh. Ngược lại, khi được vẽ trên biểu đồ, não của em bé tiếp tục phát triển như thể nó vẫn còn là một bào thai, dẫn đến giả thuyết đáng chú ý rằng con người thực sự sinh ra những em bé mới chỉ đi được nửa chặng đường phát triển của bào thai.

2. Nhu Cầu/ Đặc Điểm Phát Triển Của Trẻ 0-6 Tuổi:

Sinh lý: Trẻ sơ sinh có đầu lớn, đầu chiếm 1/3 trọng lượng của cơ thể, da thịt mủm mỉm, tóc mềm, răng sữa rụng lúc 6 tuổi. Lúc mới sinh trẻ dường như “vô năng”, nghĩa là trẻ không có các phẩm chất tinh thần cũng như năng lực vận động. Trẻ không thể tự tìm thức ăn, không thể đi. Do đó, trẻ trong giai đoạn này cần được quan tâm, chăm sóc, yêu thương. 
Tâm lý: Giai đoạn này trẻ có trí tuệ hấp thu. Đây là loại trí tuệ đặc biệt chỉ có ở giai đoạn trước 6 tuổi. Trẻ trong giai đoạn này có khả năng hấp thu kiến thức, mọi thứ xung quanh nhanh chóng và không cần nỗ lực.

Được chia làm hai giai đoạn nhỏ khác nhau:

  • 0-3 tuổi được bà Montessori gọi là “người sáng tạo vô thức” là giai đoạn trí tuệ hấp thu một cách vô thức. Vô thức ở đây không phải chỉ trẻ vô thức mà chỉ cách hoạt động của trí tuệ hấp thu. Trẻ hấp thu mọi thứ nhanh và không cần nỗ lực, vô thức và không có chọn lọc, không có mục đích giúp kiến tạo bản thân.
  • 3-6 tuổi là giai đoạn trí tuệ hấp thu một cách có ý thức, tinh chỉnh các giác quan và giúp trẻ thích nghi với môi trường. Chính công việc sau khi ra đời này là một hoạt động có tính kiến tạo diễn ra trong giai đoạn hình thành con người và điều này khiến trẻ trở thành một phôi thai tinh thần. Như vậy con người dường như có hai thời kỳ phôi thai: một là trong bụng mẹ và hai là sau khi ra đời và chỉ con người mới như vậy.

Thời kỳ nhạy cảm
Đây là thời kỳ nhạy cảm của các kỹ năng vận động (18 tháng), ngôn ngữ (2 tuổi), trật tự (2-3 tuổi) và tinh chỉnh các giác quan (1-2 tuổi)

Giai đoạn cộng sinh (0-8 tuần)
Sự gắn kết giữa trẻ và người chăm sóc cần phải có mối quan hệ tốt đẹp vì đây sẽ trở thành quy chuẩn cho các mối quan hệ sau này, ảnh hưởng đến sự tin tưởng của trẻ đến với cuộc sống. Nếu mối quan hệ ấy được xây dựng trên sự tin tưởng và yêu thương thì sau này trẻ sẽ xây dựng các mối quan hệ trên sự tin tưởng và yêu thương. Nếu mối quan hệ ấy được xây dựng trên sự bất an và nghi ngờ thì sau này trẻ sẽ xây dựng các mối quan hệ trên sự bất an và nghi ngờ.

3-6 tuổi là người làm việc có ý thức.
Ở tuổi lên ba “cuộc sống như bắt đầu lại vì giờ ý thức đã đầy đủ và rõ ràng”. Trẻ muốn “thông thạo về môi trường sống, tìm những phương tiện cần cho sự phát triển.” Nhưng thực sự thì trẻ cần phát triển cái gì? Tất cả những chức năng, năng lực đã được tạo ra trước lúc ba tuổi giờ được trẻ phát triển thông qua các trải nghiệm có ý thức và viêc luyện tập ý chí. Montessori chỉ ra hai khuynh hướng trong công viêc của trẻ trong giai đoạn này là: “một là sự mở rộng ý thức nhờ hoạt động được thể hiện trong môi trường; hai là quá trình hoàn thiện và làm giàu các năng lực đã hình thành.” Giai đoạn 3-6 tuổi là một phần của “quá trình hoàn thiện mang tính kiến tạo” nhờ hoạt động.

Bằng cách thấu hiểu tâm sinh lý và đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của trẻ, cha mẹ sẽ giúp con có một nền tảng vững chắc cho hành trình trưởng thành sau này.

Hãy đồng hành cùng con trong giai đoạn "vàng" 0-6 tuổi để con phát triển toàn diện và hạnh phúc, ba mẹ nhé!